Mấy nét về làng gốm Bát Tràng

Mấy nét về làng gốm

Bát tràng xưa và nay


Bát Tràng là một làng gốm lâu đời và nổi tiếng trong lịch sử nước ta. Làng gốm Bát Tràng nằm ở tả ngạn sông Hồng thuộc huyện Gia Lâm, Hà Nội. Theo các thư tịch cổ, nghề gốm Bát Tràng xuất hiện từ thế kỷ XV dưới thời Trần. Sách Đại Việt sử ký toàn thư của Ngô Sĩ Liên ghi: Bát Tràng có tên là Xã Bát, làng Bát từ đời nhà Trần. Như vậy, suốt hơn 500 năm nay, làng nghề này vẫn giữ tên là Bát Tràng. Trong lịch sử, những loại gốm quý và độc đáo của nước ta, nổi tiếng cả trong và ngoài nước như gốm men ngọc (thời Lý, Trần), gốm hoa nâu hay gốm men nâu (cuối thời Trần – đầu thời Lê), gốm men rạn (thời Lê – Trịnh) và gốm hoa lam (cuối thời Lê – thời Nguyễn) đều đã được sản xuất ở Bát Tràng. Từ cuối thời Trần đến thời Lê và đầu thời Nguyễn, một khối lượng lớn đồ gốm các loại của Bát Tràng đã được xuất khẩu sang các nước trong khu vực như Nhật Bản, Malaixia, Thái Lan và một số nước châu Âu như Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Hà Lan, Anh, Pháp. Nhìn chung, đồ gốm Bát Tràng là một trong những mặt hàng được người nước ngoài ưa chuộng.


Bước vào thời kỳ đổi mới (1986 đến nay), trong cơ chế thị trường, nghề gốm của Bát Tràng không chỉ tạo công ăn việc làm trong xã, mà còn thu hút hàng ngàn lao động làm thuê từ các tỉnh khác đến, như Hải Dương, Hưng Yên, Bắc Ninh… Những năm gần đây, xuất khẩu của làng gốm Bát Tràng đạt khoảng 20 triệu USD hàng năm. Hiện nay, Bát Tràng có hơn 200 công ty, xí nghiệp sản xuất kinh doanh dịch vụ gốm.


 Thời gian qua, nhiều khách trong và ngoài nước đến làng gốm Bát Tràng tham quan, tìm hiểu cách thức chế tác các sản phẩm gốm. Với nhiều khách du lịch, đó là cơ hội để có được những món đồ lưu niệm mang nhiều ý nghĩa kinh tế – văn hóa của một làng nghề truyền thống. Với doanh nhân, họ có thể tìm thấy ở đó những cơ hội đầu tư kinh doanh.

Bài viết liên quan